Không gian mở
Các không gian trong nhà luôn đảm bảo sự thông thoáng. Giếng trời và thông tầng là biện pháp hiệu quả áp dụng cho các căn nhà đô thị, giúp điều hòa và lưu thông không khí. Giữa không gian sinh hoạt và các phòng ngủ nên có các khoảng đệm kết nối trực tiếp với không gian bên ngoài.
Lượng ánh sáng trong căn nhà cần phân bổ khoa học, trong đó ánh sáng trực tiếp có giá trị cho lối đi lại và sân vườn. Lưu ý bố trí giếng trời hợp lý để không gây tác dụng ngược khi tạo thành lỗ hổng hấp thu nắng và nóng cho căn nhà.
Trồng cây
Cây xanh có khả năng lọc không khí, tạo ra oxy, ngăn chặn tia bức xạ của các thiết bị điện tử, giúp tinh thần thư giãn. Trồng cây trong nhà là điều mà rất nhiều gia đình mong muốn, đặc biệt với nhà ở đô thị, nơi có quỹ đất hạn chế. Nếu diện tích đủ cho phép, có thể chọn phương án làm một khu vườn nhỏ ở trước hoặc sau nhà, ban công, sân thượng.
Cây xanh cần có ánh sáng tự nhiên, đủ ẩm để sinh trưởng tốt. Trong khi ở môi trường trong nhà, đặc biệt là khu vực cầu thang, giếng trời thường hạn chế ánh sáng tự nhiên, thiếu độ ẩm, ảnh hưởng của đèn điện vào buổi tối làm cây có thể kém phát triển.
Lưu ý, chủ nhà cần cân nhắc khu vực trồng cây, số lượng và loại cây dự kiến, phương pháp chăm sóc, vệ sinh, phòng tránh côn trùng... sao cho hợp lý. Nếu có điều kiện kinh tế, bạn có thể lắp đặt hệ thống tưới nước tự động.
Tiết kiệm điện năng
Một ngôi nhà theo tiêu chí xanh không thể bỏ qua yếu tố tiết kiệm điện năng. Trong đó, để giảm bớt chi phí cho điều hòa không khí, ngôi nhà cần được xử lý cách nhiệt cho mái và tường ngoài để hạn chế hơi nóng xâm nhập trong mùa nóng và thất thoát nhiệt ấm vào mùa lạnh. Hệ thống thông gió tự nhiên cũng rất quan trọng giúp không khí trong lành, giảm nhiệt độ và tần suất sử dụng các thiết bị điện làm mát.
Để tiết kiệm điện thắp sáng, ngôi nhà cần tận dụng ánh sáng tự nhiên thông qua hệ thống cửa ra vào hợp lý, đi kèm với cửa mái, giếng trời, cửa sổ.
Ưu tiên vật liệu tự nhiên
Thay vì sắt thép, xi măng, gạch nung, công trình xanh thường sử dụng loại vật liệu thay thế như gạch không nung, bê tông nhẹ, tấm lợp sinh thái, xốp cách nhiệt... Không gian trong nhà có sự xuất hiện của đồ nội thất làm từ gỗ, đá tự nhiên, mây, tre...
Về ưu điểm, các vật liệu này an toàn với môi trường và sức khỏe con người, độ bền cao nhưng vẫn đảm bảo thẩm mỹ, chi phí hợp lý. Tuy nhiên, một số đồ dùng nội thất cần đòi hỏi phương pháp vệ sinh đặc biệt, chẳng hạn như đồ mây, tre...
Hiện nay, nhiều chủ nhà mong muốn sở hữu không gian sống thông thoáng, có lợi cho sức khỏe thể chất và tinh thần. Nhưng nếu chỉ đưa ra các đề bài chung chung như "muốn sống gần thiên nhiên", "nhà phải trông thật xanh", hoặc thậm chí mâu thuẫn như "thích ánh sáng nhưng không muốn có nắng vào nhà"... sẽ dẫn đến các giải pháp thiết kế, thi công không phù hợp và thiếu thực tế.
Theo Hội đồng công trình xanh Việt Nam (VGBC), công trình xanh phải đạt được hiệu quả cao trong sử dụng năng lượng và vật liệu, giảm tác động xấu giữa môi trường và sức khỏe con người. Đối với nhà ở, các tiêu chí sẽ được thay đổi tùy vào hiện trạng, điều kiện thực tế và sở thích của gia chủ.