Giằng chống thấm chân tường là cấu kiện vô cùng quan trọng
Với những người không thuộc chuyên ngành xây dựng thì đây chắc chắn là một khái niệm xa lạ, và bởi vì không phải tất cả các công trình đều thi công chuẩn nên có nhiều chủ nhà khá mơ hồ, thậm chí không biết đến sự tồn tại của chi tiết này trong công trình nhà mình.
Giằng chống thấm chân tường trên thực tế là cấu kiện bê tông cốt thép liên kết giữa tường cổ móng và tường nhà. Cần phải phân biệt giữa giằng chống thấm chân tường và giằng móng (hay còn gọi là dầm móng). Giằng móng là bộ phận được gối lên móng, để tạo sự liên kết giữa các móng nhà lại với nhau, truyền trọng tải từ cột và tường lên toàn bộ móng, tăng cường độ cứng cho cả móng nhà.
Sau khi thi công giằng móng sẽ tiến hành xây tường cổ móng rồi mới thi công giằng chống thấm chân tường.
Có lẽ không cần quá băn khoăn về tác dụng của giằng chống thấm chân tường, bởi nó đã được thể hiện ngay trong tên gọi – chính là ngăn nước thấm ngược từ tường cổ móng lên tường nhà. Vì nếu chỉ trát bằng vữa và xi măng thông thường sẽ có các lỗ rỗng nhỏ, tạo ra hiện tượng mao dẫn, nước theo đường đó thấm ngược lên làm ẩm chân tường.
Tuy đây chỉ là một cấu kiện nhỏ nhưng nếu bỏ qua khi thi công thì sẽ để lại hậu quả khôn lường, đặc biệt đối với những ngôi nhà ở vùng sông nước hay ngập lụt.
Hiện tượng chân tường bị thấm cũng tương tự như nguyên lý “bấc thấm đèn dầu” – nước và hơi ẩm bị hút ngược từ dưới nền móng lên trên cao. Lượng ẩm tích tụ lâu ngày sẽ gây ẩm mốc, bong tróc lớp sơn tường thậm chí gây mục nát bức tường, làm giảm tuổi thọ của tường nhà. Thậm chí có những nơi hơi ẩm nhiều đẩy lên cao chừng 1-2m, kéo theo cả một lượng muối khoáng gốc clorua, sunfat..làm bức tường bị ăn mòn, ảnh hưởng tới kết cấu và tuổi thọ của toàn bộ công trình.
Có những ngôi nhà không thiết kế giằng chống thấm chân tường nhưng có ốp gạch chân tường hoặc ốp gạch toàn bộ tường nhà, gây ra tình trạng bí hơi làm tường càng bị hút ẩm mạnh hơn, bị phá hủy kết cấu nhanh hơn. Trường hợp nguy hiểm nhất là khi vữa bị thấm ẩm nặng kèm theo muối làm mục tường, khiến rơi cả mảng gạch ốp xuống.
Tới đây chắc chắn bạn đọc đã nhìn ra được vai trò vô cùng quan trọng của giằng chống thấm chân tường. Mặc dù thiếu giằng chống thấm không phải là nguyên nhân duy nhất gây ra hiện tượng thấm chân tường tầng 1 (có thể do ngấm nước từ nền nhà vệ sinh ra…), tuy nhiên không có giằng chống thấm vẫn là lý do gây thấm nặng nhất.
Những ngôi nhà cũ thường được xây không có giằng chống thấm chân tường
Việc xây tường không có giằng chống thấm chân tường xảy ra nhiều nhất ở các công trình nhà tập thể hoặc nhà cũ cách đây 30-40 năm, khi đó chủ yếu nhà được xây theo kết cấu tường chịu lực. Hiện nay hầu hết các công trình đều thi công bộ phận này, được thể hiện luôn ở trong bản vẽ thiết kế, nhằm đảm bảo an toàn cũng như kéo dài tuổi thọ cho ngôi nhà bền vững hơn.
Trước đây khi kỹ thuật thi công chưa phát triển và để tiết kiệm, lớp giằng chống thấm thường chỉ là một lớp hồ dầu hoặc lớp vữa mỏng. Hiện nay để phát huy tác dụng hiệu quả nhất, người ta sử dụng bê tông cốt thép để thi công lớp giằng này.
Như đã phân tích ở trên, giằng chống thấm chân tường không được thiết kế nhằm mục đích chịu lực (nó có tham gia chịu lực nhưng chỉ một phần rất nhỏ so với những cấu kiện khác) do đó cốt thép nằm ở đây chỉ là cốt thép cấu tạo, thường là thép phi 8 hoặc phi 10. Thép phi 10 được ưa dùng hơn vì dễ thi công (đỡ được phần nhân công cắt và uốn thép). Sau đó buộc thép đai (thường là thép phi 6) và đổ bê tông.
Cấu tạo thép giằng chống thấm chân tường thông thường
Ở hầu hết các công trình, lớp giằng chống thấm này thường dày khoảng 10cm. Tuy nhiên, ngoại lệ vẫn có trường hợp giằng chống thấm cao từ 30-40cm, Thường là dành cho những nhà có móng cao, móng gạch hoặc móng đá. Bởi vì móng gạch móng đá chịu nén rất tốt nhưng chịu uốn và chịu kéo kém, nên sẽ thiết kế giằng chống thấm như giằng móng để tải trọng truyền xuống móng đều hơn, hạn chế nứt móng.
Đối với trường hợp giằng chống thấm chân tường được thiết kế cao như trên, thì tác dụng chịu lực của nó sẽ nhiều hơn so với giằng thông thường. Do đó, thép sẽ được bố trí là 4 cây d14 hoặc d16.
Kết cấu ngôi nhà là yếu tố quyết định tuổi thọ và chất lượng công trình. Đây cũng là động lực để rất nhiều gia chủ lựa chọn thuê thiết kế khi xây nhà.
Trên đây là chia sẻ của Nhà mới group về những yếu tố cơ bản cần biết về giằng chống thấm chân tường. Các gia chủ hết sức lưu ý khi cho thợ thi công để đảm bảo công trình đạt chất lượng từ những cấu kiện nhỏ nhất nhé.
Nguồn: Tổng hợp
Biên tập: Thu Phương