Hội thảo được tổ chức tại Hà Nội vào ngày 02/11/2022, tại Đà Nẵng ngày 07/11/2022 và tại TP Hồ Chí Minh ngày 9/11/2022. Đã có khoảng 700 đại biểu ở cả ba miền tham dự, đến từ các các cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ Xây dựng, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Y tế và các Sở chuyên ngành địa phương; các cơ quan, tổ chức quốc tế; các tổ chức nghiên cứu và đào tạo; các chủ đầu tư, các đơn vị tư vấn thiết kế, thi công xây dựng và quản lý vận hành tòa nhà; các doanh nghiệp sản xuất và phân phối thiết bị thông gió, điều hòa không khí, đảm bảo vệ sinh môi trường trong nhà; các đơn vị đo đạc, quan trắc chất lượng môi trường không khí; các đơn vị sản xuất và phân phối vật liệu và thiết bị nội thất; các hiệp hội nghề nghiệp; các kiến trúc sư, kỹ sư và các chuyên gia trong lĩnh vực môi trường, công trình xanh và sức khỏe con người.
Tại hội thảo, các chuyện gia khoa học đã trình bày các tham luận như: Thực trạng chất lượng không khí trong nhà dân dụng ở Việt Nam và giới thiệu Tiêu chuẩn “TCVN 13521:2022 – Nhà ở và nhà công cộng – Các thông số chất lượng không khí trong nhà”, do TS.KTS Phạm Thị Hải Hà trình bày; Chất lượng không khí cho cuộc sống con người, do ông Ichiro Suganuma (tập đoàn Panasonic) trình bày; Một số giải pháp công nghệ kỹ thuật trong thiết kế và vận hành công trình để kiểm soát chất lượng không khí trong nhà, do PGS.TS Nguyễn Đức Lượng trình bày; Ví dụ điển hình về các sản phẩm và giải pháp công nghệ giúp cải thiện chất lượng không khí trong nhà của tập đoàn Panasonic, do ông Nguyễn Kim Duy Nghiêm (Panasonic Electric Works Việt Nam) và ông Võ Văn Hoàng (Panasonic Air-conditioning Việt Nam) trình bày và định hướng tương lai của tiêu chuẩn chất lượng không khí trong nhà, do ông Philip Ong, Trung tâm R&D Panasonic-Singapore trình bày.
Theo báo cáo Chất lượng không khí thế giới năm 2019 của Liên minh Toàn cầu về sức khỏe và ô nhiễm, tổng số người Việt Nam chết vì ô nhiễm môi trường là 71.365 người. Trong đó, số người chết do ô nhiễm không khí là 50.232 người chiếm 70,4%; chết do ô nhiễm nước là 4,4%; chết do ô nhiễm chì là 11,5% và chết do ô nhiễm nghề nghiệp là 12,6%. Bên cạnh đó, thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho thấy mỗi năm số trường tử vong liên quan đến ô nhiễm không khí ở ngoài trời và trong nhà lên đến 2,2 triệu người. Trong khi đó, phần lớn hoạt động của con người được diễn ra trong các tòa nhà – nơi không khí chính là một trong các yếu tố ảnh hưởng đến sức khỏe con người. Không gian trong nhà không chỉ chịu ảnh hưởng từ khói bụi từ phương tiện giao thông, khí thải công nghiệp mà còn kết hợp với các yếu tố liên quan tới nấm mốc, vi khuẩn sinh ra từ trong các hoạt động sinh hoạt hàng ngày của con người. Vì vậy, ô nhiễm không khí do bụi mịn trong nhà cao gấp 2-3 lần ở ngoài trời.
Từ thực tế đáng lo ngại trên, Hội Môi trường Xây dựng Việt Nam đã biên soạn bộ tiêu chuẩn “TCVN 13521:2022 – Nhà ở và nhà công cộng – Các thông số chất lượng không khí trong nhà” quy định nhiều nội dung quan trọng trong thiết kế, thi công, vận hành công trình nhằm đảm bảo chất lượng không khí trong công trình và đảm bảo sức khỏe cho người sử dụng. Đây là tiêu chuẩn đầu tiên của Việt Nam đặt ra sau nhiều năm nghiên cứu, khảo sát tại Việt Nam và tham khảo bộ tiêu chuẩn của nhiều quốc gia trên thế giới. Bộ tiêu chuẩn quy định tiêu chuẩn thiết kế thông gió, điều hòa không khí; quy định hàm lượng các chất trong không khí, qua đó làm tiêu chí đánh giá chất lượng không khí trong nhà đối với công trình xanh. Ngoài ra, bộ tiêu chuẩn còn có các chỉ tiêu mới liên quan đến kiểm soát nấm mốc, các hợp chất formaldehyde, VOCs… Đáng chú ý, trong bộ tiêu chuẩn TCVN 13521:2022 có nội dung hướng dẫn chống ô nhiễm không khí trong các nhà ở có bàn thờ cúng thường xuyên thắp hương. Nội dung này phản ánh thoái quen sinh hoạt của người Việt không giống tiêu chuẩn của bất kỳ nước nào trên thế giới. Do đó tiêu chuẩn TCVN 13521:2022 vừa có tính hiện đại, hòa nhập quốc tế, vừa có tính thực tiễn, khả thi ở Việt Nam.
Trong các phiên của Hội thảo, các đại biểu đã trao đổi, thảo luận sôi nổi về nội dung Tiêu chuẩn TCVN 13521:2022 và các giải pháp công nghệ kỹ thuật trong thiết kế và vận hành công trình để kiểm soát chất lượng không khí trong nhà. Hầu hết người dân Việt Nam chỉ quan tâm đến vấn đề điều hòa không khí, còn vấn đề thông gió chưa được quan tâm đúng mức, đặc biệt là vấn đề chất lượng gió tự nhiên và trao đổi không khí. Qua chia sẻ của PGS.TS Nguyễn Đức Lượng tại hội thảo, cần xem xét các yếu tố đối với việc lắp đặt và sử dụng hệ thống thông gió và điều hòa không khí được nhấn mạnh như: vị trí lấy gió cho hệ thống thông gió, điều hòa không khí cần tránh xa nguồn ô nhiễm và cuối hướng gió; quy định vị trí xả thải của hệ thống xả thải khu vệ sinh, bếp ăn; phương pháp điều khiển hệ thống thông gió và điều hòa không khí.
Việc chọn vật liệu xây dựng không chất thải, ít hoặc không sử dụng hóa chất để làm sạch và cải tạo công trình cũng là một trong những nội dung được nhắc đến trong hội thảo. Một số vật liệu xây dựng mỏng có xu hướng nhạy cảm với độ ẩm, gia tăng của vi sinh vật khi sử dụng vật liệu trong điều kiện ẩm ướt. Trong khi đó một số vật liệu rắn (ván ép, gỗ dán, gỗ ép, thảm, tấm trải sàn, tấm cách nhiệt) có xu hướng phản ứng chậm hơn các sản phẩm ướt; khí thải có thể kéo dài vài tháng đến vài năm.
Đại diện Panasonic trình bày về các sản phẩm và giải pháp công nghệ giúp cải thiện chất lượng không khí trong nhà của tập đoàn Panasonic cũng như định hướng tương lai của tiêu chuẩn chất lượng không khí trong nhà. Panasonic phát triển những giải pháp công nghệ mới đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng không khí, đồng thời tối ưu hóa công năng sử dụng. Trong tương lai, Panasonic sẽ tiếp tục cải tiến phát triển công nghệ để nâng cao chất lượng không khí trong công trình.
Ba buổi hội thảo đã kết thúc tốt đẹp. Các chuyên gia đánh giá cao bộ tiêu chuẩn “TCVN 13521:2022 – Nhà ở và nhà công cộng – Các thông số chất lượng không khí trong nhà” và khẳng định ý nghĩa của bộ tiêu chuẩn rất quan trọng để tạo cơ sở pháp lý trong việc thiết kế, vận hành và quản lý công trình nhằm tạo lập một môi trường sống trong nhà có chất lượng cao, đảm bảo sức khỏe và hiệu quả làm việc cho người dân Việt Nam. Bộ Xây dựng cũng hướng tới tiếp tục phổ biến Tiêu chuẩn TCVN 13521:2022 đến các bên có liên quan và tham gia nghiên cứu tính khả thi của việc đưa một số nội dung tiêu chuẩn vào Quy chuẩn 04 mới về nhà ở và công trình công cộng. Đồng thời Bộ cũng sẽ xây dựng hướng dẫn kỹ thuật để giải quyết các vướng mắc trong quá trình áp dụng Tiêu chuẩn TCVN 13521:2022 vào thực tiễn hiệu quả nhất.
Quý Trọng