Gần đây, hiện tượng nền gạch nhà bị nhô lên, phồng rộp và nổ – vỡ khá phổ biến tại các nhà cao tầng, nhà dân khiến nhiều hộ gia đình lo lắng. Hiện tượng này có thể xảy ra tại 1 khu vực trong nhà hoặc tạo thành 1 đường dài chạy trên sàn nhà. Ngoài ra, ở các khu vực lát gạch có diện tích lớn như sảnh, sân thượng, sân công cộng,… cũng hay xảy ra tình trạng phồng rộp.
Tác hại của hiện tượng này với công trình này mình có thể kể đến là:
Gây hao tổn và chi phí sửa chữa: Nứt nền nhà cần phải được khắc phục kịp thời để tránh tình trạng nứt to và lan rộng, gây hao tổn và tăng chi phí sửa chữa.
Ảnh hưởng đến giá trị bất động sản: Nền nhà bị nứt có thể giảm giá trị của ngôi nhà và gây khó khăn cho việc bán lại hoặc cho thuê.
Ảnh hưởng đến sức khỏe: Nếu nền nhà bị nứt nghiêm trọng, có thể gây ra các vấn đề về độ ẩm, mốc và nấm mốc, ảnh hưởng đến sức khỏe của cư dân sinh sống trong nhà.
Cách xử lý hiện tượng nền nhà phồng rộp, nứt nẻ
Để khắc phục hiện tượng này, mình thường căn cứ vào hiện trạng của vấn đề để lựa chọn giải pháp tốt nhất. Hiện tượng gạch lát nền nhà phồng rộp được chia thành 2 tình trạng như:
- Gạch đã bị phồng lên nhưng chưa bị vỡ hoặc bong ra.
- Gạch đã bị vỡ hoặc bong lên.
Trường hợp 1: Đối với nền nhà phồng rộp, gạch bị phồng nhưng chưa bị vỡ hoặc bong ra
Với trường hợp gạch chưa bị bong và chưa vỡ thì việc thay thế toàn bộ sàn là không cần thiết. Bởi nếu làm vậy sẽ rất tốn kém, lãng phí nhất là khi nền nhà bạn đang sử dụng những mẫu gạch cao cấp. Phương án xử lý như sau:
Bước 1: Kiểm tra xung quanh vị trí các viên gạch bị phồng.
Bước 2: Sử dụng mũi khoan có đường kính nhỏ nhất, thường là mũi khoan số 6.
- Các mũi này cần sắc và mới để khoan lên nền viên gạch đang bị phồng rộp.
- Bạn hãy khoan sâu với kích thước 1.5 cm.
Bước 3: Sử dụng bơm hơi để thổi sạch mùn vữa gạch.
Bước 4: Bơm hóa chất xuống vị trí viên gạch bị rộp nhờ lỗ vừa khoan.
- Có thể khoan các mũi bên cạnh để bổ sung thêm hóa chất trong trường hợp lỗ khoan đầu tiên không xuống hết.
- Hóa chất sử dụng có thể dùng vữa bơm ống gen cáp dự ứng lực hoặc vữa không co ngót – Sika.
Bước 5: Chờ phần hóa chất đã bơm khô.
- Sử dụng vật liệu xi măng trắng hay xi măng màu tương đồng với màu gạch vị trí lỗ khoan để che đi phần mũi khoan.
Bước 6: Vệ sinh bề mặt vừa thi công.
Trường hợp 2: Đối với nền nhà phồng rộp, gạch đã bị vỡ hoặc bong lên
Tình trạng nền nhà phồng rộp kèm theo bị vỡ và bung lên khỏi sàn nhà thì phương án tối ưu bắt buộc đó là phải thay thế toàn bộ phần gạch bị rộp. Cách thức thực hiện như sau:
Bước 1: Kiểm tra và xác định toàn bộ các viên gạch bị vỡ.
- Bao gồm các viên đã bong lên hoặc các viên gạch xung quanh vị trí bị bong.
- Điều này để đảm bảo không phát sinh vấn đề gì sau khi hoàn thành việc sửa chữa.
Bước 2: Sử dụng máy cắt, cắt theo đường mạch xung quanh các viên gạch bị rộp.
Bước 3: Sử dụng dụng cụ đục toàn bộ các vị trí gạch đã bị rộp. Chú ý đục sâu xuống nền vữa cũ từ 3 - 5 cm.
Bước 4: Trộn vữa mác 50 và cán nền cho bằng phẳng với nền của các viên gạch cũ.
Bước 5: Hòa thêm nước xi măng đổ lên trên nền vữa sau đó tiến hành thi công ốp lát gạch.
Bước 6: Vệ sinh toàn bộ vị trí vừa thi công sau đó trét mạch.
Hi vọng những chia sẻ kinh nghiệm trên sẽ giúp bạn xử lý trường hợp nền nhà bị nứt - vỡ một cách hiệu quả nhất.