Top Page
16/03/2023 16:53

Cách chống trơn trượt cho bậc thềm nhà

Có nhiều giải pháp có thể khắc phục việc trơn trượt cho mặt bậc cầu thang bằng đá granit.

Thứ nhất, bạn có thể yêu cầu thợ xẻ khe chống trơn trên mặt bậc đá (cách mũi bậc 2-3 cm) vào bên trong với 2-3 đường xẻ. Các đường xẻ nên cách nhau 1cm và sâu khoảng 2-3 mm.

Ưu điểm của cách làm này là tạo được nhiều khe chống trơn trượt theo nhu cầu sử dụng, cũng như đồng bộ với màu đá ốp lát. Tuy nhiên nhược điểm là trong quá trình xẻ khe, có nguy cơ gãy hoặc vỡ mũi bậc. Hơn nữa trong quá trình sử dụng, bụi bẩn sẽ rơi vào khe đá làm giảm tác dụng chống trơn trượt.

Cách thứ hai là mài nhám chống trơn trên đá. Theo đó, tại vị trí gần mũi bậc, bạn có thể yêu cầu thợ mài nhám một phần mũi bậc để tạo ma sát nhằm chống trơn trượt. 

Ưu điểm của cách làm này là đồng bộ màu sắc với mũi bậc, thi công khá đơn giản và thông dụng. Tuy nhiên, cách thức này lại đòi hỏi tay nghề thợ thi công kỹ thuật cao, nếu không sẽ gây mất thẩm mỹ. Cũng giống như xẻ khe chống trơn, cách mài nhám chống trơn trên đá sẽ giảm dần hiệu quả trong quá trình sử dụng.

Cách cuối cùng là sử dụng nẹp chống trượt cầu thang. Đây là sản phẩm được gắn cố định vào vị trí mũi bậc cầu thang nhằm tăng ma sát cho mũi bậc. Vật liệu nẹp khá đa dạng, như: inox, đồng, nhôm... Hình dáng cũng đa dạng với hình chữ V, L, F…

Sử dụng nẹp chống trơn trượt vừa bảo vệ được mũi bậc cầu thang khỏi sứt mẻ, vừa chịu được va đập tốt. Ảnh minh họa: neplacviet.com

Sử dụng nẹp chống trơn trượt vừa bảo vệ được mũi bậc cầu thang khỏi sứt mẻ, vừa chịu được va đập tốt

Ưu điểm của nẹp chống trơn trượt là vừa bảo vệ được mũi bậc khỏi sứt mẻ, vừa có khả năng chịu va đập tốt, độ bền cao, dễ thay thế, không bị biến dạng theo thời tiết. Nhược điểm là giá thành khá cao.

Trên đây là ba phương án tối ưu trong số nhiều giải pháp chống trơn trượt cho mặt bậc cầu thang đá granit. Bạn có thể tham khảo và lựa chọn phù hợp với hoàn cảnh gia đình mình.

Biên Tập: Thu Phương

Nguồn: Tổng hợp


Tin cùng chuyên mục