Đối với những dự án lớn thì khoan khảo sát địa chất là công tác bắt buộc trước khi ép cọc bê tông. Khoan khảo sát chính là công tác nghiên cứu và đánh giá điều kiện địa chất của công trình ngay tại điểm xây dựng, nhằm xác định cấu trúc, tính chất vật lý, điều kiện nước của lớp đất nền.
Một trong những lợi ích của việc khoan khảo sát địa chất đối với công tác ép cọc bê tông chính là xác định sức chịu tải của cọc và tính toán được giải pháp xây dựng một nền móng hiệu quả, tiết kiệm nhất.
Nền móng là yếu tố cốt lõi và chịu toàn bộ tải trọng của ngôi nhà, cho nên việc thiết kế móng luôn mất rất nhiều thời gian, công sức cũng như chi phí. Sau khi xác định được sức chịu tải của cọc thông qua công tác khoan khảo sát địa chất, đơn vị thi công có thể xác định được số lượng cọc là bao nhiêu là đủ để có thể đảm bảo độ vững chãi cho công trình dự kiến.
Điều mà nhà thầu cần phải nắm được trước khi ép cọc đại trà chính là với tính chất đất hiện tại của công trình, nếu sử dụng cọc 200*200 thì sức chịu tải là bao nhiêu?Mật độ như thế nào? Số lượng như nào là hợp lý? Và sẽ thay đổi ra sao nếu sử dụng cọc có kích thước khác?
Công tác khoan khảo sát địa chất còn có thể dự đoán được những khó khăn trong quá trình ép cọc do những biến đổi địa chất, dự đoán những ảnh hưởng có thể xảy đến với công trình lân cận và đưa ra biện pháp thi công hữu hiệu nhất.
Tương tự như công tác khoan khảo sát địa chất, ép cọc thử cũng nhằm xác định tính chất của đất, xác định tải trọng cũng như chiều sâu của cọc xuống nền đất. Vì khoan khảo sát địa chất thường có chi phí cao nên thường hay được dùng cho các dự án lớn, còn các nhà phố và công trình dân dụng sẽ tiến hành ép cọc thử trước khi thi công đại trà.
Ép cọc thử là một công tác quan trọng
Ví dụ nhà phố 3 tầng cần ép với tải trọng 75 tấn, lúc này ta sẽ thực hiện ép thử với độ sâu 6m. Nếu đã đạt 75 tấn nhưng cọc chỉ xuống 4m thì có thể xác định nền đất này chỉ cần độ xây 4m. Điều này có thể hạn chế các loại cọc dư, tránh lãng phí.
Khi ép cọc thử thì chiều dài của cọc phải lớn hơn so với cọc đại trà để đảm bảo đóng cọc đạt độ chối cần thiết so với tính toán.
Chi phí và thời gian dành cho việc ép cọc thử không quá lớn nhưng sẽ tránh được những sai sót trong quá trình ép cọc bê tông cho toàn bộ nền móng. Các gia chủ tuyệt đối không nên bỏ qua bước ép cọc thử này.
Một điều cần lưu ý khác trước khi ép cọc bê tông là cần có đầy đủ hồ sơ kỹ thuật như bản thiết kế móng, bản đồ các công trình ngầm, các thông số kỹ thuật của cọc ép.
Cần có mặt bằng đủ rộng để tập kết cọc bê tông
Các kỹ sư giám sát nên ghi chép lại chỉ số lực ép đầu tiên khi cọc cắm xuống đất được từ 30-50cm. Sau đó, khi cọc xuống được 1m thì lại ghi lực ép tại thời điểm đó cũng như khi lực ép thay đổi đột ngột. Đến giai đoạn cuối cùng là lực ép có giá trị bằng 0,8 giá trị lực ép giới hạn tối thiểu, bắt đầu từ đây ghi lực ép trong từng đoạn 20cm cho tới khi ép xong.
Có thể dùng công thức sau để biết được lực ép đầu cọc:
P(ép) = 2 x S(pittong) x Chỉ số đồng hồ (hoặc = Chỉ số đồng hồ/ 3,14)
Trong đó P(ép) là lực ép đầu cọc và S(pittong) là tiết diện pittong. Sau khi tính toán được lực ép đầu cọc thì so sánh với thiết kế để kiểm tra xem đã ép đủ tải trọng hay chưa.
Lời kết, công tác ép cọc thực sự là giai đoạn vô cùng quan trọng, đảm bảo tính bền vững cũng như tuổi thọ lâu dài của mọi công trình. Hi vọng thông qua bài viết Nhà mới group mang lại, gia chủ có thể nắm được sơ bộ các bước ép cọc bê tông cơ bản để quá trình xây nhà diễn ra thuận lợi hơn.
Nguồn: Tổng hợp
Biên tập: Thu Phương